XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Ảo Vọng Du Học


Phan_7

Ai cũng muốn nhồi nhét cho Bài và Bình ăn thật no, ăn không thể tiêu hóa được thì thôi. Quần áo chúng nó chẳng thiếu thứ gì. Trong khi bạn bè của chúng nó, hai anh em mới có mỗi một chiếc quần sợi thay nhau mặc mùa đông cho đỡ lạnh, bố mẹ chúng phải tháo áo len cũ, rách của họ đan áo cho chúng, cắt những quần áo cũ, rách của họ may quần áo cho chúng, thì Bài và Bình có cả một tủ quần áo. Trong khi cái Thanh, con cô Hoài ở cùng phố chỉ biết chơi mãi một con lật đật đã cũ rích mà chị họ nó khi lớn lên tặng lại, cu Bốn, con chú Tam nhà bên cạnh lắc mỏi cả tay mà cái lúc lắc không chịu lên tiếng để chơi cùng với nó chỉ vì cái đồ chơi này đã qua tay mấy bận nên không đủ sức để “gào” nữa, thì hai đứa con Bân có cả một thùng đồ chơi.

Bài và Bình chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu sự quan tâm giáo dục. Bài đã vào lớp một, Bình lên lớp mẫu giáo nhỡ nhưng chẵng ai quan tâm xem chúng nó cần gì, thích gì trong chương trình học. Tối đến chẳng ai kể cho chúng nó nghe một câu chuyện cổ tích dù là ngắn. Thế là chúng nó làm bạn với ti vi. Lúc đầu bố mẹ chúng nó còn cấm, chỉ cho chúng nó xem chương trình “Những bông hoa nhỏ”, có cô Bích Ngọc dẫn chuyện thôi. Nhưng tắt ti vi rồi mà chúng nó đâu có chịu đi ngủ. Những tiếng “huỵch, huỵch” lại vang rền nhà. Tiếng gào khóc của thằng Bình mới đáng sợ. Nó làm em luôn luôn đành hanh. Lúc nào cũng được người lớn bênh, nên dù đúng, dù sai, nó đều lấy nước mắt ra để dọa cả nhà. Tiếng khóc kêu oan của thằng Bài, hòa vào tiếng quát nạt, mắng chửi của người lớn và tiếng gào giả vờ của thằng Bình, làm cho không khí của cả gia đình thật là náo động. Thế rồi, ông bà, dì, bố mẹ chúng nó mặc kệ, đã thế, những lần sau cho chúng nó xem phim thoải mái đến lúc ngủ thì thôi. Họ còn bận tính toán làm ăn ngày hôm sau. Mẹ thì lo sao mua được càng nhiều hàng về tích trữ để tuồn ra chợ đen càng tốt. Hoạt động nhiều, tính khí vốn đã cáu kỉnh càng dễ nổi cáu hơn, hách dịch hơn và đòi hỏi hơn. Dục không ngần ngại quát chồng, con. Chỉ có điều khi có khách hay ở ngoài đường. Duc không dùng miếng võ ấy.

Nhưng, tỷ lệ nghịch với số tiền bố mẹ kiềm được, với sự thăng tiến chức vụ của người bố, là sự hư hỏng của hai đứa con trai.

Từ nhỏ đến lớn, sống trong khung cảnh gia đình cùng với cách giáo dục của ông bà, bố mẹ như vậy, Bài và Bình chẳng thiết tha gì đến chuyện học hành. Lúc Bình vào học lớp một, cũng là lúc Dục từ giã nghề bán hàng thực phẩm. Để giữ sĩ diện với họ hàng, làng xóm, bạn bè và cũng là để không mang tiếng thua thiệt, Dục bắt đầu một cuộc chạy thi với việc học hành của hai quý tử. Năm nào cũng vậy, Dục mời giáo viên đủ các môn đến để kèm cho chúng. “Cơ chế thị trường mà! – Dục luôn mồm nói như vậy – Cứ có tiền thì có mà giáo sư cũng chẳng từ chối huống hồ là mấy giáo viên phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học”.

Nhưng cũng vì cơ chế thị trường nên giáo viên được mời đến dạy, cứ đến, được bồi dưỡng hậu hĩ, cứ nhận. Mà có từ chối cũng chẳng được với Dục. Trong trường hợp đó, Dục nói ngọt lắm:

- Thôi trăm sự em nhờ thầy. Thầy dạy ở lớp, thấy biết cháu nhà em yều điểm gì thì xin thầy bồi bổ cho cháu điểm đó. Xin thầy nhận lấy cho em vui. Cháu nhà em mà lên được lớp là nhờ công thầy cả đó. Chừng này có là gì đâu. Cháu nhà em có kết quả tốt, em không quên ơn thầy đâu.

Vợ chồng Dục có biết đâu là khi cô giáo dạy tiếng Anh thì thằng Bài giở vở tiếng Việt ra, mân mê trên đó. Thầy dạy tóan ra một bài tập hỏi về số lượng tàu hỏa, thì thằng Bình trả lời thầy về số lượng xe máy, v.v…Chúng nó chẳng tập trung gì vào bài giảng, cả ở lớp và cả ở nhà nên dù có nhồi nhét học thêm bao nhiêu và bao nhiêu đi nữa thì kết quả thu được chẳng đáng là bao. Nhiều thầy, cô giáo thấy tình trạng học tập của Bài và Bình đã muốn chạy xa. Nhưng mỗi năm lại đổi một loạt thầy, cô khác nhau nên thầy, cô, người thì chưa hiểu ngay được nội tình, người thì cả nể…Bằng cách nói của mình, tự nhận mình là người ít học, đồng thời lại tỏ ra thật thà nên Dục đã làm cho nhiều thầy, cô không từ chối nổi.

Học hành như vậy mà không hiểu sao Bài và Bình vẫn lên lớp. Bài vẫn tốt nghiệp phổ thông trung học và bố mẹ nó chạy đủ mọi cách cho nó đi du học ở Sinh-ga-po. Nghe nói mất nhiều tiền lắm mà thằng Bài học cũng chẳng đâu vào đâu cả. Cho đến lúc Bình đi. Bài đã học tiếng Anh được hai năm rồi mà năm đó vẫn chưa vào được trường đại học.

Sang đến Pháp rồi thấy sự học tập căng thẳng, thi cử nghiêm túc, nhiều lúc Bình cũng băn khoăn tự hỏi không hiểu sao hồi ở nhà, Bình lại đỗ được tốt nghiệp phổ thông trung học và trước đó vẫn được lên lớp đều đặn mặc dù Bình chẳng học hành gì…

Bình bỗng nhớ lại…

Buổi sáng hôm ấy Bình còn đang ngủ, những tia nắng chiếu qua cửa sổ, rọi thẳng đến giường của Bình. Những tia nắng ấy dập dờn trên tường, trên giường Bình như đùa giỡn. Mới sáng mà trời đã oi oi, khó chịu. Người Bình nhơm nhớp mồ hôi. Chẳng hiểu ai đã tắt máy điều hoà nhiệt độ từ lúc nào rồi. Bình bỗng giật bắn mình khi nghe tiếng gọi của mẹ:

- Bình ơi, Bình ơi, dậy ngay mẹ bảo! Ôn thi mà ngủ đến giờ này hả?

- Cái gì mà mẹ làm như súng bắn đến đít rồi không bằng? – Bình bực bội trả lời – Người ta còn ngủ. Suốt cả ngày hôm qua mẹ không thấy là con theo hết buổi học thêm này đến buổi học thêm khác, tối đến thầy Toàn còn qua kèm cho đến 11 giờ đêm à?

Bình kêu ca vậy vì cậu biết còn loè được mẹ mình. Thực ra ngồi vào bàn cho có chứ học hành gì đâu. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đến nơi rồi, chẳng lẽ không ngồi vào bàn.

- Mẹ biết là mày vất vả nhưng thôi cố lên con ạ. Mấy hôm nữa là thi rồi. Mẹ đã làm việc với cô hiệu phó phụ trách học tập của trường. Cô ấy sẽ sắp xếp chỗ thi ày, rồi sẽ lo hết mọi chuyện. Nhưng mày nhớ kín mồm kín miệng kẻo mang tiếng cho người ta, nghe chưa? Khi có giám thị đưa bài, mày nhớ chép cẩn thận, không để sót, để sai!

- Làm sao mà chép được, nhỡ có đứa nào nhìn thấy?

- Sao mà ngu thế không biết! Mày phải biết cách để làm cho cái đứa ngồi bên không biết chứ! Còn một việc này nữa, đó là mày phải đánh dấu bài nhẹ nhàng như thế này thôi nhé – vừa nói mẹ Bình vừa chìa cái tờ giấy có mẫu đánh dấu sẵn cho Bình – Nhớ chưa Bình?

- Nhớ rồi, nói mãi!

Vậy là Bình đã thoát qua cửa ải một cách ngon lành.

Cho đến kỳ thi đại học, Bình phải về Hà Nội thi tại trường Đại học Ngoại thương. Chờ suốt cả mấy buổi thi mà chẳng có phép mầu nhiệm nào đến với Bình cả. Bình đã phải nộp giấy trắng.

Về đến nhà, Bình cũng chẳng thấy buồn gì cả. cứ như đó là việc của ai vậy thôi. Bình lao vào chơi suốt ngày đêm với nhóm bạn xấu. "An cũng thi đại học như mình, không biết có đỗ không? Mấy tuần nay không gặp An, không biết nhà nó có chuyện gì không? Nghe nói mẹ An ốm lắm nên nó càng chán đời", Bình hỏi và nói thầm.

Ước nguyện của bố mẹ Bình cho Bình vào học tại trường Đại học ngoại thương tan thành mây khói. Tuy chưa có điểm thi nhưng biết chắc chắn Bình không đỗ đại học. Vậy mà có ai hỏi tình hình thi cử của Bình, bố mẹ Bình lại tìm cách nói ngược lại. Thực tế, bố mẹ Bình lại quá sợ vì Bình từ ngày không còn phải học, năng tụ tập bạn bè xấu để hút thuốc hơn. Biết đâu một ngày kia con họ sẽ nghiện! Là cán bộ huyện nên bố Bình càng sớm hiểu ra vấn đề, lo lắng cho tương lai của con mình. Bố Bình hiểu là nếu không được đào tạo một ngành nghề nghiêm túc, Bình sẽ chẳng có tương lai. Rồi chẳng hiểu ai mách nước cho, mẹ Bình vội vàng gửi Bình xuống Hà Nội để học tiếng Pháp.

Bình nghe mẹ nói, một công ty trách nhiệm hữu hạn đã lo được mọi thủ tục cho Bình từ A đến Z để đi du học tại Pháp. Tất nhiên mẹ Bình phải chi mà chi khá nhiều là đàng khác. Chỉ còn mỗi việc là Bình phải vào kiểm tra ngoại ngữ ở Đại sứ quán Pháp mà thôi. Bình rất thích được mệnh danh là sinh viên du học tại Cộng hoà Pháp nên cũng tỏ ra cố gắng, nhưng mới học tiếng Pháp ở Hà Nội được mấy tháng, lại không chăm chỉ, Bình đã biết được gì đâu ngoài mấy câu chào hỏi. Lúc vào Đại sứ quán Pháp, họ cũng chẳng hỏi gì ngoài mấy câu chào hỏi đó. Và thế là Bình được nhận đi du học.

Nhưng trước ngày ra đi, Bình bỗng nghĩ lại. Nghe nói ở Pháp học phải ra học, không ấm ớ được, không coi thường được, Bình thấy hoảng, thấy sợ. Bình gào lên là không đi du học nữa. vậy mà bố mẹ Bình đâu có nghe. Bố Bình còn tỏ ra vui vẻ, hãnh diện và tự hào có hai đứa con trai đi du học là đằng khác.

Bố Bình mở cửa bước vào nhà khi tiếng gào của Bình vừa dứt. Mẹ Bình ca thán:

- Ông thấy có khổ cái thân tôi không? Lo cho nó vạc cả mặt, dạc cả người mới xong. Vậy mà giờ đây chẳng biết nghe ai, nó chạy làng!

- Thì bà cũng phải từ từ cái đã nào.

Bố Bình vừa nói vừa gọi Bình lại bảo:

- Đi thôi con ạ, không còn con đường nào khác để có tương lai sáng lạn nữa đâu. Chỉ cần một cái bằng của Pháp, ở đâu trên đất Pháp cũng được. Ở Việt Nam, có ai biết và quan tâm xem con học ở trường nào danh tiếng hay chất lượng gì đâu. Đi xin việc, cứ chìa cái bằng đó ra là ăn đứt rồi con ạ. Mà phải nhớ là không cao đẳng, trung cấp gì. phải là bằng đại học, có cái chữ Université đấy nhé. Bằng đại học mới có giá, mới xin được việc làm.

- Bố thừa hiểu là con không có năng khiếu ngoại ngữ. Con sẽ không học được đâu, con ở nhà thôi! – Bình khẩn khoản.

- Con ở nhà bây giờ biết vào học trường nào? Con có thi đỗ đại học đâu? Chẳng qua bố mẹ tổ chức liên hoan mừng con thi đỗ hai trường đại học để hãnh diện với cơ quan của bố, với họ hàng, bè bạn và bà con láng giềng màthôi. Con mà ở nhà, bố mẹ có mà đeo mặt mo. Con không biết là ở Việt Nam ta bây giờ, con cái nhà người ta đua nhau học đấy thôi. Nhà nghèo cũng cố cho con có cái bằng đại học. Những nhà có máu mặt, chẳng ai không mơ tưởng cho con đi học nước ngoài. Cái tiếng con đi học đại học ở nước ngoài sẽ làm cho cái ghế của bố ngồi vững vàng hơn. Con khỏi lo gì hết, bố sẽ lo nhà cửa cho con ở Hà Nội, con sẽ có một công việc ổn định ở đó.

Bình cứ ngẩn tò te nghe bố giải thích, giọng lúc to, lúc nhỏ, lúc như dụ dỗ, lúc như áp đặt. Lâu nay, Bình cũng đã nghe loáng thoáng là bố đã nhờ chú Hoà, thân thiết với bố, người Hà Nội, lo cho bố được hai căn hộ chung cư cao cấp rồi. Không là cho anh Bài và Bình thì còn ai vào đấy nữa?

Ra đi một cách dễ dàng nên Bình không ý thức được một cách hoàn toàn và triệt để chuyện học hành khó khăn, nghiêm túc mặc dù điều đó đã có lúc làm Bình sợ.

Nhờ có sự giúp đỡ của cô Cúc trong việc giới thiệu trường nhận lúc làm hồ sơ, sang Pháp, Bình được ở ngay Paris. Nước Pháp, với Paris là thủ đô ánh sáng, với biết bao danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tất cả những cái đó đã làm Bình ngợp mắt trong ảo tưởng. Bình bỗng quên hết - quên hết nỗi sợ hãi có lúc nào đó ám ảnh Bình.

Năm đầu mới sang Pháp, ỷ vào việc có tiền, lại quen thói không phải động não, Bình chẳng chịu học gì cả. Thái đã đưa Bình đi làm thủ tục nhập học ngoại ngữ ở trường Đại Học Xoóc- Bon ( Université Sorbonne ) IV. Cũng như Thái, Bình phải đóng tiền hai khóa học. Mỗi khóa học bốn tháng và mất khoảng hai nghìn ơ - rô ( euro). Vào học được một thời gian ngắn Bình đã nản, bởi Bình thấy xung quanh cũng là người các nước khác đến học, nhưng người ta học nhanh và nói tốt, tiến bộ rõ rệt, còn mình cứ lẹt đẹt mãi. Rồi Bình bỏ dở dang. Lại ghi tiếp khóa thứ hai. Lại đóng tiền. Lại bỏ. Suốt ngày, Bình chỉ lo đi mua sắm quần áo, giày dép loại đắt tiền, đúng mốt và đúng nhãn hiệu có tiếng. vậy là chỉ trong vòng một năm Bình tiêu hết hai mươi ngàn euro. Tiền mẹ Bình gửi sang không đủ, Bình còn dám gọi điện cho chú Thanh làm việc ở cơ quan thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại Paris để xin vay thêm. Bình nói là bố mẹ Bình đã biết chuyện và sẽ thu xếp gửi trả chú. Lúc đầu chú Thanh ngần ngại nhưng là người cùng quê, gia đình bố mẹ chú sống ở huyện nơi bố Bình làm việc, lẽ nào chú lại từ chối. Vậy là Bình có thêm cơ hội để tiêu, để ăn chơi thỏa thích.

Năm đầu, Bình thi ngoại ngữ nhưng không đủ điểm nên không một trường đại học nào nhận Bình vào học.

Thấy Bình không theo học được ngoại ngữ ở Paris, cô Cúc khuyên Bình nên về tỉnh học. Vì Paris, cô Cúc khuyen Bình nên về tỉnh học. Vì thấy Thái cũng phải chuyển về tỉnh năm học đó, nên Bình đồng ý đi cùng. Rồi năm thứ hai, Bình lại thi ngoại ngữ. lại không đủ điểm để có thể ghi danh vào trường đại học. Việc làm giấy tờ của Bình đã gặp ít nhiều khó khăn. Rồi thi tiếp lần thứ ba! Cũng như hai lần trước, Bình lại tiếp tục trượt vỏ chuối.

Đến năm học thứ ba, Bình đã phần nào chịu khó tìm hiểu hệ thống giảng dạy ở Pháp và nghĩ rằng nếu lần này đỗ được ngoại ngữ, Bình sẽ cố gắng học.

Thực ra, nếu chịu khó học và không bị mất những kiến thức cơ bản trong những năm học phổ thông, đồng thời có phương pháp học thì việc theo học đại học ở Pháp cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Các thầy cô giáo cũng chỉ đòi hỏi học sinh phải nắm được bài giảng, đồng thời phải biết nghiên cứu, tìm tòi mở mang kiến thức, bổ sung cho kiến thức đã học. Họ đâu có đòi hỏi phải học thêm ngoài chương trình, cũng không tổ chức dạy thêm. Họ không bao giờ ra các câu hỏi ở dạng đánh đố học sinh. Khi vào đại học, nếu học tốt và nghiêm túc, sau ba năm, sinh viên sẽ lấy được bằng cử nhân, sau một năm tiếp theo sẽ lấy được bằng cao học ( maitrise ), sau một năm nữa là bằng chuyên sâu ( D.E.A) (Diplôme d’Études Approfondies) ... và tiếp theo từ ba đến năm năm mới lấy được bằng Tiến sĩ ( Doctorat ). rất nhiều sinh viên người Pháp, sau bằng cao học, xin ghi danh học tiếp một năm nữa để lấy bằng chuyên nghành ( D.E.S.S )(Diplôme D études Supérieures Spécialisées ). Với tấm bằng này, không những họ chỉ cần mất tất cả năm năm học ở trường đại học mà còn sau khi ra trường sẽ dễ xin việc hơn. Còn nếu lấy bằng chuyên sâu mà không làm tiếp học vị tiến sỹ thì hầu như công việc của những người này sẽ là giảng dạy hay nghiên cứu.

Trong ba năm học để lấy bằng cử nhân, trường đại học chỉ cho phép sinh viên đúp một lần thôi. nếu năm tiếp theo không học được nữa là bị đuổi ra khỏi trường. Muốn được học tiếp, phải ghi danh vào một trường đại học khác và học từ năm thứ nhất.

Một năm trở lại, hệ thống giáo dục của Pháp ở bậc đại học có những cải cách mới. Chính phủ Pháp cũng như các chính phủ khác trong Khối Cộng đồng chung Châu Âu, đã đi đến thống nhất coi tấm bằng tốt nghiệp thạc sỹ ( masteur) ( tức là sau khi có bằng cử nhân phải học tiếp hai năm nữa). Vì thế, khi có bằng masteur, thí sinh có thể ghi danh làm luôn bằng Tiến sỹ nếu muốn và nếu được chấp nhận. Ở Pháp, việc chấp nhận tương đương bằng cấp ở các trường đại học cũng khác nhau lắm. Mỗi trường đề ra ình những tiêu chí riêng. Có những trường yêu cầu chỉ chấp nhận thí sinh tiếp tục học vị tiến sỹ nếu thí sinh đạt bằng chuyên sâu loâi khác, giỏi trở lên. Tuy nhiên, cũng có những trường lại yêu cầu thấp hơn.

Những học sinh khi còn học phổ thông, không có khả năng học lên phổ thông Trung học, có con đường rẽ sang học nghề. Sau hai năm học, học lấy được Chứng chỉ khả năng chuyên ngành (Certificat d Aptitude Professionnelle - C.A.P). Những học sinh học tốt trong hai năm này và muốn học lên nữa, có thể theo tiếp một năm chuyên ngành đó. Vậy là sau ba năm học tất cả, họ sẽ có Bằng học chuyên ngành ( Brevet des études Professionnelles - B.E.P). Họ có thể học nhiều nghề khác nhau như điện, mộc, nề .... sau đó, họ có thể xin việc làm và trở thành công nhân. Quá trình làm việc, nếu họ yêu nghề, say sưa với nghề, họ có thể trở thành những công nhân bậc cao hay những người thợ lành nghề. Những em học sinh, sau khi học hết lớp 10, không đủ khả năng theo học một trong ba khối của hệ tốt nghiệp phổ thông nói chung khi hết lớp 12 như hệ S học chủ yếu các môn khoa học tự nhiên, hệ ES học các môn khoa học kinh tế, hệ L, học các môn khoa học xã hội, sẽ được hướng sang học tiếp hai năm cuối cấp ở hệ STI, chuyên về khoa học công nghiệp, hoặc STT, chuyên về khoa học công nghệ quản lý ... hoặc sẽ được hướng vào một hệ chuyên về một ngành cụ thể nào đó để sau này khi tốt nghiệp phổ thông trung học, có thể học luôn về nghề đó, ví dụ như nghề tạo mốt ( mode ) nghề nhạc, khiêu vũ, nghề đón tiếp khách sạn hay nghề dược, y tá ...

Đối với công dân nước Pháp, khi xin việc làm, một công nhân giỏi sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn một kỹ sư tồi.

Cầm tờ giấy của Phòng Cảnh sát trong tay, Bình cứ mải miết suy nghĩ, thẫn thờ bước. Bình oán giận bố mẹ mình. Bố mẹ Bình chỉ biết thoả mãn những mong ước của mình mà quên đi những ước muốn của người khác, của chính những đứa con mình. Bố mẹ Bình chỉ biết hãnh diện với mọi người vì một cái danh hão, để rồi yên trí đẩy Bình vào nghịch cảnh. Bố mẹ Bình chỉ biết đạt được mục đích bằng chính những đồng tiền nhơ bẩn để rồi đẩy con mình vào vực thẳm mà họ nào có biết và đâu cần biết.

Ý thức về chuyện học hành từ đâu bỗng trỗi dậy trong Bình. Bình cảm nhận hệ thống đào tạo ở một nước tư bản như Pháp rõ hơn bao giờ hết. Những kỷ niệm thời học sinh lười biếng, láo lếu, ham chơi của Bình cứ đan xen hiển hiện, trở về. Một câu hỏi năm nào nay lại nhảy vào đầu óc Bình. Tại sao? Tại sao sau những hành động tày trời của Bình như vậy mà Bình vẫn không bị đuổi học, vẫn được lên lớp? Tại sao thầy Khôi, một người thầy giáo chân thành, nghiêm túc, giỏi chuyên môn như vậy lại bức bách đến mức phải xin chuyển trường?

Lúc thầy Khôi quyết định đuổi Bình ra khỏi lớp và nói rằng Bình chỉ được trở lại giờ thầy nếu có sự đồng ý của thầy hiệu trưởng, cũng là lúc tiếng trống vang lên báo hiệu hết giờ. Cả lớp vội vàng nộp bài kiểm tra cho thầy rồi đi nhanh ra. Nhóm nữ tỏ vẻ bực bội, tụm vào nhau thì thầm to nhỏ, nhóm nam học hàh tử tế rủ nhau chơi cờ ca rô. Nhóm của Bình lại tập trung nhau ở hành lang, đứng sát lan can ngoài cửa lớp. Từ tầng năm, chúng nhìn thấy thầy Khôi tay xách cặp, chân đi tập tễnh dưới sân trường, tiến thẳng về phía phòng Ban giám Hiệu trường. Cả bọn cười rộ lên, rồi Bình bắt đầu:

- Để xem cái lão què ấy còn định tính toán gì nữa đây?

- Đàn ông nhiều tuổi rồi mà không có vợ thì chẳng hâm thì cũng hấp – thằng Lợi đứng cạnh Bình, bảo – tớ thường nghe bà bô tớ nói với ông bô tớ, May mà ông lấy được tôi chứ để thêm dăm năm nữa, khi tuổi tới đầu con bốn đít thì thể nào cũng hâm.

Cả bọn lại vỗ tay cười khoái chí.

* * *

Thầy Khôi là người huyện bên. Sau khi tốt nghiệp cấp III, thầy đỗ kết quả cao cộng với quá trình ba năm cấp III học giỏi, thầy được cử đi học đại học tại nước Cộng hoà Tiệp Khắc. nhưng năm đó, do có sự cố Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, giao thông bị gián đoạn. Hơn hai nghìn tân sinh viên tập trung ở Hà Nội chỉ non một nửa đi được. thầy Khôi nằm trong số những người không may phải ở lại. Sau đó thầy ghi danh vào học tại trường Đại học sư phạm ở Hà Nôi, khoa Vật lý.

Năm thứ nhất vừa kết thúc, cũng như nhiều giáo viên khác thời đó, thầy Khôi phải xếp sách vở lên đường đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng trên chiến trường miền Nam nóng bỏng, ngoài những giờ rèn luyện, chiến đấu, thầy không ngừng học và đọc. cuối năm 1976, hơn một năm rưỡi sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy được trở về quê nhà nhưng mãi mãi mang trên mình vết thương nặng ở chân trái. Thầy từng bị một mảnh đạt xuyên vào chân và một mảnh găm ở đầu.

Lúc vào quân ngũ, sau mấy tháng huấn luyện, thầy được biên chế vào lực lượng đặc công. Đơn vị của thầy ngày càng tiến sâu vào Nam. Trong một trận đánh ác liệt ở phía Tây Nam, thầy bị trúng đạn và lăn xuống một mép vực, xung quanh cây cối phủ rậm rạp. Đồng đội bỏ thầy sau mấy giờ đồng hồ cất công tìm kiếm không kết quả, đành phải rút quân để bảo đảm an toàn, bí mật. Thầy chỉ được phát hiện khi một nhóm dân địa phương đi săn nhìn thật và họ khiêng thầy về. Già bản đã nhờ trạm y tế cách mạng chữa chân cho thầy. Vì vết thương đã lâu, dẫn đến hoại tử, nên người ta đã phải tháo khớp chân của thầy. nhưng từ khi thầy được phát hiện và được đưa về, chẳng hiểu sao tay bị hoàn toàn mất trí nhớ. Già bản làm cơm cúng ma cho thầy nhiều lần nhưng vô hiệu.

Mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, già bản tìm cách đưa thầy về xuôi, vào bệnh viện 175. Các bác sĩ đã chụp phim và mổ, lấy được mảnh đạn trong đầu thầy ra. Trí nhớ dần hồi phục. Thầy nhớ ra tên mình, tên bố mẹ mình, tên quê quán, đơn vị…Rồi khi sức khoẻ khá lên, trí nhớ gần như được khôi phục hoàn toàn. Thầy được phép ra Bắc.

Hơn năm mươi tuổi, thầy vẫn chẳng yêu ai. Nói đúng hơn là thầy đã yêu nhưng tình yêu của thầy mãi mãi chôn chặt trong lòng để rồi trái tim thầy không còn có thể rung lên được nữa. Những người có bản lĩnh và tính cách như thầy Khôi là thế.

Khi bước vào trường đại học, bao mơ ước của tuổi trẻ như chắp cánh cho Khôi, cho bạn bè cùng trang lứa. Khôi không những là một sinh viên xuất sắc mà còn là một cán bộ đoàn gương mẫu. cuộc sống đời sinh viên vô tư đã mang đến cho Khôi niềm hạnh phúc tưởng như Khôi chỉ có thể sống chết vì nó. Thuỷ, cô sinh viên khoa Toán, người nhỏ nhắn xinh xinh. Khuôn mặt hơi tròn, nước da bánh mật. Nổi trên gương mặt đó là nụ cười tươi tắn. Mỗi lần ai đó gặp Thuỷ, ấn tượng sâu sắc để lại là nụ cười để lộ hàm răng trắng đều, xen vào đó là chiếc răng khểnh, trông đến là duyên. Thuỷ cũng là một cô gái xốc vác, năng nổ trong công tác. Khôi và Thuỷ thường gặp nhau trong những buổi họp chi đoàn hay thỉnh thoảng ở thư viện trường, nhà ăn sinh viên, v..v..Thế rồi tình yêu đến với họ tự bao giờ không biết nữa. Chỉ biết họ đắm say trong mối tình đầu. Càng yêu nhau, họ càng động viên nhau học tập, công tác. Tình yêu như thôi thúc họ, như mang đến cho cả hai nguồn nghị lực vô tận. Nhưng cũng như những sinh viên thời đó, tình yêu chính đáng của họ không được công khai. Họ biết vậy, trước mắt mọi người cố tỏ ra bình thường nhưng trong lòng nổi sóng.

Vì rồi tình yêu đắm say đó cũng như những ước mơ cháy bỏng khác của chàng trai trẻ phải gác lại vì lời kêu gọi của tổ quốc yêu thương. Ngày Khôi ra đi chiến đấu cuối cùng cũng đã đến. Dưới ánh trăng thanh, Khôi và Thuỷ trao nhau nụ hôn đầu tiên mà trước đó đã bao lần họ cố kìm nén. Nói sao hết nỗi nhớ thương đau đáu mà hàng ngày, hàng giờ họ dành trọn cho nhau.

Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Cùng với khí thế của thanh niên cả nước vì miền Nam thân yêu, chỉ sau mấy tháng huấn luyện, Khôi được điều vào tuyến trong. Hai năm đầu, Khôi và Thuỷ thư đi từ lai rất đều đặn. mặc bom rơi đạn nổ, mặc những cuộc hành quân không biết trước, cứ có thời gian rỗi là Khôi viết thư cho người yêu. Trường Đại học sư phạm phải chuỷên về nơi sơ tán. Cuộc sống của sinh viên khó khăn bội phần nhưng Thuỷ vần luôn hướng về tiền tuyến, nơi có biết bao bạn bè, người thân đang ngày đêm vất vả, gian khổ, hy sinh, nơi có Khôi, người mà Thuỷ nguyện trọn đời yêu thương, chờ đợi.

Nhưng rồi ai có thể biết trước được điêu gì có thể xảy ra trong chiến tranh. Trường hợp của Khôi và Thuỷ cũng vậy. Đơn vị của Khôi ngày càng tiến sâu về phía Tây Nam. Rồi bẵng đi từ tháng 5 năm 1972 cho đến ngày miền Nam được giải phóng, vì bí mật của đơn vị, Khôi không thể viết tiếp thư và cũng không thể nhắn gửi, nói trước với Thuỷ một lời gì được.

Ba năm Thuỷ đằng đẵng đợi chờ, không một tin tức, không một lời nhắn gửi. Mặc những lời giục của gia đình, mặc lời khuyên của bạn bè, của bố mẹ Khôi, Thuỷ vẫn một lòng chờ đợi. một lần mẹ Khôi bảo Thuỷ:

- Con gái có thì con ạ. Gần ba năm rồi không có tin tức gì của nó thì chắc có còn đâu nữa mà con chờ với đợi. Thầy u già rồi. Con cũng phải lo cái phận mình cho thầy u khỏi áy náy. Chẳng nhẽ con ở vậy đến già sao?

- Chiến trường miền Nam vẫn còn nóng bỏng lắm thầy u ạ. Nhưng con tin nhất định ta sẽ thắng, nhất định anh Khôi con sẽ về.

Thuỷ nói vậy, cô biết cô nói vậy nhưng chẳng dám nghĩ là vậy mà vẫn phải nói cho yên lòng bố mẹ Khôi. Còn cô, cô bắt đầu thấy hoang mang. Ngày 30 tháng Tư năm 1975. Người ta mừng chiến thắng, người ta reo hò. Thuỷ cũng thấy vui chứ sao! Nhưng là vui trong cái vui chung còn cô không yên trong nỗi niềm riêng…

Rồi các bạn cùng đơn vị anh ấy trở về, tìm đến thăm gia đình và báo cho cô một cái tin đau đớn. Tháng 3 năm 1975, trong một trận đánh ác liệt, anh đã không trở về nữa. Đồng đội không tìm thấy thi hài anh. Và cũng sau chiến thắng tháng 4 năm 1975, người ta mới gửi giấy báo tử anh về.

Thuỷ đau đớn…Rồi dù không con tình yêu với ai nữa, cô vẫn phải nghe lời bố mẹ, phải thực hiện cái nghĩa vụ của người con gái. Cô đồng ý lấy một đồng nghiệp đã để ý và yêu cô từ lâu. Cuối năm 1975, họ tổ chức lễ cưới. Hai người có một căn hộ tập thể tại trường cấp III.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_8 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .